Khi đọc xong bản tin này ("Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt
Nam", [1]), phản ứng của tôi là nói thầm: "Gieo giống
nào thì gặt quả đó". Dịch vụ nghèo nàn và văn hoá ứng xử tồi tệ, thì dĩ nhiên
khách chỉ đi một lần và không hẹn ngày quay lại là đúng rồi. Thật ra, con số 6%
có lẽ còn cao, chứ trong thực tế có thể thấp hơn nữa. Cần nói thêm rằng thống
kê cho thấy 55% du khách đến Thái Lan là những người đã từng đi du lịch Thái
Lan trước đây. Con số của Thái Lan chắc phải làm cho nhiều người trong kĩ nghệ
du lịch VN xấu hổ.
Tôi là người Việt, cũng thương cái đất nước đó lắm, mà khi đi du lịch
thì cũng "một đi không trở lại". Người Việt mà còn thế, thì chuyện
người nước ngoài đến VN chỉ để biết 1 lần duy nhất cũng không phải là điều quá
ngạc nhiên. Việt Nam có đủ những yếu tố để xua đuổi khách du lịch, và để họ có
lí do để không quay trở lại.
Có những nơi tôi đi qua và rất muốn quay trở lại, nhưng có những
nơi mình thậm chí nghĩ thà đừng đến đó lần đầu làm gì. Một trong những nơi tôi
lúc nào cũng muốn quay lại là Thái Lan. Số liệu thống kê nói rằng 55% các du
khách đến Thái Lan là những người "returnees" (tức đã từng ghé thăm
Thái Lan trước đây). Còn có nơi tôi không muốn quay lại là các nơi ngoài Bắc, đặc
biệt là Vịnh Hạ Long, và một số địa điểm trong Nam như Hà Tiên, Vũng Tàu, Mũi
Né. Đó là những nơi nguy hiểm cho du khách, những nơi mà đến đó chỉ chuốc lấy
phiền phức và sự bất tiện.
Tôi tự hỏi yếu tố gì làm cho mình thích quay lại hay không muốn
quay lại. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi tự trả lời những yếu tố mang tính môi trường
du lịch như sau: không gian, phẩm chất nước uống và nước dùng, phẩm chất cảnh
quang thiên nhiên, phẩm chất không khí, mức độ ồn ào, di sản văn hoá, và mức độ
thân thiện của người dân địa phương. Cũng có thể nghĩ đến những yếu tố mang
tính kĩ thuật một chút như sự chuyên nghiệp trong tổ chức tour, quảng bá, và phẩm
chất "sản phẩm" du lịch. Nếu xét qua những yếu tố trên, tôi nghĩ VN đều
ở thế thua thiệt, và Thái Lan ở thế thượng phong.
Không gian Việt Nam không có nhiều hấp dẫn như Thái Lan. Đến VN, ngay ở các
thành phố hay bất cứ khu đô thị nào, là chấp nhận rủi ro. Rủi ro bị xe đụng, rủi
ro bị trộm cướp, rủi ro bị chặt chém trong các nhà hàng và khu du lịch. Ở nơi
nào mà có du khách không dám băng qua đường vì sợ bị xe cán chết, và xe thì
cũng chẳng buồn tình nhường cho du khách một bước đi. Đó là nơi mà người ta bận
bịu đến nỗi chẳng quan tâm đến an sinh của du khách, thì đến đó làm gì cho phiền
phức.
Phẩm chất nước, nói thì đơn
giản và chuyện nhỏ, nhưng đối với người nước ngoài thì cả một vấn đề lớn. Chỉ cần
dùng nước "bậy bạ" thì bị "Tào Tháo" đuổi, và thế là cả
chuyên đi xem như mất vui. Phải nói thẳng là phẩm chất nước ở VN kém quá, kém đến
nỗi du khách chỉ dùng nước lọc trong chai. Mà, theo như báo chí phản ảnh, có
khi nước lọc trong chai cũng chưa chắc an toàn, bởi vì có những cơ sở dỏm làm
nước lọc giả hay nhái thương hiệu.
Còn vệ sinh ở VN là một cơn ác mộng. Đi tìm cầu vệ
sinh đã là khó, mà tìm được thì chưa chắc dùng được. Không dùng được vì quá dơ
bẩn. Dơ đến mức độ có người thà chịu đau chứ không dám đi cầu! Ở vài nơi thì
người ta tính tiền, hình như là 2000 đồng một lần đi. Thật hiếm thấy nơi nào mà
du khách đi cầu tiêu tiểu phải trả tiền. Số tiền chẳng là bao nhiêu, nhưng nó
nói lên cái thói thừa cơ hội để chặt chém của kĩ nghệ du lịch VN và đất nước /
con người Việt Nam.
Nước thì kém như thế, còn phẩm chất không khí thì
cũng đáng nói là tệ. Không khí và bầu trời ở VN tuy chưa xám xịt như ở Bắc Kinh
bên Tàu, nhưng ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội thì đó là một vấn nạn.
Ô nhiễm không khí không phải chỉ khói xe, mà còn các hãng xưởng ngày đêm xả
khói thoải mái ngay trong nội thành! Du khách nước ngoài, chỉ cần đến Sài Gòn,
thấy người ta đeo khẩu trang đã ngạc nhiên, nhưng nhìn thấy xe cộ phun khói mịt
mù thì họ hiểu rõ tại sao. Ấn tượng đầu đã không đẹp!
Mức độ ồn ào là một vấn
đề lớn ở VN. Đi đâu, bất cứ nơi nào, tiếng ồn đều theo đuổi du khách. Người ta
đi du lịch là để tìm sự thoải mái tinh thần và tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh. Nhưng
đến VN thì khó mà có sự yên tĩnh. Ngay cả ở những nơi êm đềm như Hội An mà du
khách cũng không được để yên, bởi vì cứ mỗi sáng, trưa và chiều là bị tra tấn bởi
cái loa phường. Thật hiếm thấy nơi nào trên thế giới mà người ta "tra tấn"
du khách như ở VN.
Phẩm chất cảnh quan thiên nhiên ở VN phải nói là
không cao, nếu không muốn nói là khá tồi tệ. VN chúng ta không có những đền đài
hoành tráng như Kampuchea, không có những cảnh thiên nhiên hùng vĩ như Nam
Dương, không có những cảnh trí mùa thu đẹp như mơ của Hàn Quốc, không có những
bãi biển trong xanh và mê hồn của Thái Lan. Nói chung, VN không có những cảnh
thiên nhiên đẹp như chúng ta tưởng.
Cảnh quan thiên nhiên kém nước khác đã đành, nhưng con người còn
làm cho cảnh quan tồi tệ hơn vì … rác. Nhìn rác rưởi trên đường phố thì đã thất
kinh hồn vía, nhưng khổ nỗi là đi đâu cũng thấy rác, từ những nơi trong thành
phố đến những nơi dành cho du khách đều có rác. Thật ra, nơi nào có nhiều du
khách, nơi đó có rác nhiều hơn! Cả nước có thể xem như một thùng rác khổng lồ.
Rác đang giết các danh lam thắng cảnh của VN. Có thể nói không ngoa rằng Hà
Tiên đã chết, Đồ Sơn đã chết, Vịnh Hạ Long đang chết, Nha Trang đang chết, Phú
Quốc đang sắp chết vì rác.
Còn nói về di sản văn hoá, thì đó là một câu chuyện buồn.
Một anh bạn tôi nhận xét rằng Việt Nam đã trải qua ba thời kì đập phá. Thời kì
thứ nhất là sau khi mấy ông cách mạng cướp được chính quyền. Lần thứ hai là Cải
cách ruộng đất. Lần thứ ba là miền Nam lãnh đủ. Thật ra, phải kể đến lần thứ Tư
nữa, đó là phong trào nhân danh "trùng tu" để đập phá đền chùa để xây
cái mới. Sau bốn đợt đập phá như thế thì thử hỏi VN còn gì để gọi là "di sản
văn hoá". Thử đi thăm Hoàng Thành ở Huế thì biết người ta trùng tu rất
quái đản, mới và cũ chẳng ra thể thống nào cả. Thay vì làm cột bằng gỗ, người
ta làm bằng … xi măng giả gỗ! Tương tự, các đền thờ của danh nhân như Nguyễn
Trãi cũng làm như thế. Do đó, di sản văn hoá của VN cho du khách coi như không
có gì đáng kể hay đáng so sánh với các nước chung quanh.
Du khách đến VN là chấp nhận sự phiền toái. Phiền toái
từ những đội quân bán hàng rong, bán vé số, và những nhóm du côn. Có lần tôi đi
chơi bãi biển Vũng Tàu nhân ngày cuối tuần mà không bao giờ nghĩ đến ngày ghé
đó lần thứ hai. Ở những khu nổi tiếng thì chỉ thấy người ta ăn nhậu bừa bãi ở
ngay bãi biển. Ở nơi xa xa một chút, tưởng rằng sẽ được yên tĩnh, nhưng đâu ngờ
cũng bị các nhóm ngoài Bắc vào chiếm dụng. Họ rất hung dữ. Đến nỗi có khách đứng
dựa một cây để hóng mát mà cũng bị đuổi vì đó là nơi đã … đăng kí. Còn các nhóm
bán cua ghẹ ở biển, toàn dân nói tiếng Bắc, thì kinh khủng quá. Họ tự họ giết
chết Vũng Tàu. Và, những đồng môn họ cũng đang giết chết Hạ Long bằng những thủ
đoạn chặt chém du khách. Mới năm ngoái , anh bạn tôi tổ chức tiệc cho đoàn do
anh ấy bảo trợ trong một nhà hàng có tiếng ở Vịnh Hạ Long, đến khi nhận cái
bill tính tiền thì mới biết là bị chặt chém. Còn ra đường phố Hạ Long, dù chỉ uống
nước mía hay cà phê, thì chặt chém là bình thường, nhất là du khách nói giọng
miền Nam. Còn ở trong Nam, đến hầu như bãi biển nào cũng phải thuê dù che! Ngồi
chưa yên đã có một đội quân đến chèo kéo mua hàng. Tuy nhiên, điều an ủi là các
đội quân chèo kéo trong Nam có vẻ không hung dữ như ngoài Bắc. Do đó, có thể
nói mức độ thân thiện của người dân địa phương là rất rất thấp.
Một sự phá hoại du lịch của VN khác là du khách
người Nga. Du khách Nga dĩ nhiên đem lại nguồn lợi lớn cho nhiều doanh nghiệp,
nhưng họ cũng là vấn nạn cho kĩ nghệ du lịch VN. Họ có mặt ở những nơi nổi tiếng
như Nha Trang, Phú Quốc, và Mũi Né. Không phải và không muốn khái quát hoá,
nhưng nhìn chung, họ là một nhóm du khách [nói theo tiếng Anh] là ... ugly. Nó
thô lỗ, cục mịch, và nói chung là kém văn minh hơn du khách phương Tây. Thử tưởng
tượng những du khách mặc quần tắm nước chảy tùm lum ngay trong sảnh khách sạn 5
sao! Hãy tưởng tượng những con người mập ú, miệng hút thuốc lá đi quanh hồ tắm ở
những resort sang trọng! Đó là hình ảnh người Nga ở Nha Trang, Mũi Né, và Phú
Quốc. Thành ra, chỗ nào có người Nga nhiều, du khách phương Tây cố tình tránh
né. Cuối cùng thì du khách Tây chỉ còn "tị nạn" ở Đà Nẵng, Hội An,
hay những chỗ tương tự. Và, có lẽ họ cũng chỉ đến 1 lần rồi thôi, chứ họ đâu muốn
chung chạ với những người kém văn minh như Nga. Hệ quả là kĩ nghệ du lịch VN
lãnh đủ. Cũng thu hút khách đó, nhưng là loại du khách có chất lượng thấp, còn
Thái Lan thì thu hút du khách chất lượng cao (tức Tây). Thế là VN thua, Thái
Lan thắng.
Đó là những yếu tố mang tính môi trường bất lợi cho du lịch VN,
nhưng các vấn đề kĩ thuật và tổ chức còn là những yếu tố làm cho khách "một
đi không trở lại". Sản phẩm du lịch thì nghèo nàn (nhưng có công ti cố gắng
làm mới và cải tiến). Cách tổ chức luộm thuộm. Thậm chí có công ti còn bán du
khách cho các nhóm khác! Đó là chưa nói du khách còn bị tẩy não, tuyên truyền rất
thấp. Đến những địa điểm như viện bảo tàng, nhà tù nổi tiếng, du khách sẽ được
nghe hướng dẫn viên chửi bới Mĩ Nguỵ như
thế nào. Thử hỏi nếu bạn là người Mĩ mà nghe nói thế thì bạn có muốn ghé thăm
VN một lần nữa? Thật là ngây thơ để nghĩ [ai cũng thấp như mình] rằng "mấy
thằng Tây nó biết gì đâu". Nói chung, tính chuyên nghiệp của phần lớn các
công ti du lịch rất thấp.
Với những vấn đề trên, tôi nghĩ chẳng ai ngạc nhiên khi thấy du
khách không có ý định đến Việt Nam lần thứ hai. Họ chỉ đi một lần cho biết, sau
đó thì âm thầm nói lời tạm biệt. Ngoài ra, còn phải nói thêm về giá cả quá đắt ở
VN, làm cho người ta phải so sánh. Đi du lịch ở Thái Lan, người ta được chào
đón một cách thân thiện và chuyên nghiệp, mà giá cả lại rất phải chăng, vậy thì
tại sao phải đi VN để vướng vào phiền toái mà còn bị nâng giá một cách quá
đáng. Đã nghèo, cảnh quan thì dơ bẩn, dịch vụ thì kém chất lượng mà lại làm chảnh
bằng cách nâng giá! Kĩ nghệ du lịch VN tự làm khó họ. Thật ra, ngay cả người Việt
ở trong nước cũng nói rằng họ đi du lịch ở Thái Lan còn rẻ hơn đi du lịch ở VN.
Còn người Việt ở nước ngoài họ chỉ về thăm bà con thân nhân rồi mua các tour đi
du lịch Thái Lan chứ không dám đi du lịch ở VN. Nói cách khác, kĩ nghệ du lịch
VN đã thua ngay trên sân nhà. Nếu không có một cuộc làm mới và cải cách thì VN
sẽ còn thua nữa.
===
13 comments:
Trong bài a dùng từ Kampuchea nên em thấy khó hiểu quá. Sao không dùng từ Việt Nam hay tiếng Anh cho thuận tiện ?
Thắc mắc nhỏ khi đọc bài.
Cảm ơn bài viết của anh.
The name of Cambodia, in the Khmer language is "Kampuchea" == nguồn Wikipedea
Dùng chữ Kampuchea cũng OK thôi, tại người Miên đọc tên quốc gia mình là như vậy.
Đọc bài này thấy ớn chè đậu luôn! Trước đây tôi vẫn ngần ngại chưa dám về thăm VN vì sợ phải thấy cảnh thú vật bị giết trước mắt (sau khi bị "tra tấn", và con gì nhúc nhích cũng bị ăn), nay được GS Tuấn báo cho biết là chỉ có cái cầu tiêu ở ngoài đường thôi mà cũng khó tìm được, thì thôi, đành xin khất lại, chắc phải chờ thêm 10 năm nữa vậy :D
E đọc bài viết của a có cảm nhận là a hoàn toàn chê bai du lịch Việt Nam là do cảnh quan, do con người, do khách du lịch Nga, do tổ chức du lịch kém... nhưng ở một khía cạnh mà e không đồng ý là phong cảnh của Việt Nam. E nhận xét là Việt Nam có nhiều phong cảnh đẹp, bãi biển đẹp, món ăn ngon và những gì a chứng kiến và trãi nghiệm là hậu quả của một thể chế CNXH nhiều năm quản lý, đang tàn phá phong cảnh thiên nhiên, con người, văn hoá truyền thống Việt. Và a là một người Việt, người học sâu, và có tư duy tiến bộ thì a sẽ làm gì để Việt Nam luôn là điểm đến thu hút và hấp dẫn???
Tác giả dùng chữ phẩm chất hay cho chất lượng (chỉ có một chữ chất lượng ở cuối bài). Chuyền biến trong tư tưởng?
Lần đầu tiên tui đọc blog của anh Tuấn cách đây vài ngày.Đọc xong bài nầy của anh tui có cảm giác thật đã.Cảm giác giống như tui thèm uống bia lâu ngày, hôm nay được ngồi bên Đức và uống ly bia hảo hạng Weiss của Đức.
Tui từng đi làm việc kết hợp du lịch tại hơn 60 tỉnh của VN, tui đã trải qua những chuyện như anh tác giả đã viết.Nhiều trường hợp tui thấy còn <> hơn vậy nhiều!Tác giả nhận xét về khách du lịch Nga hoàn toàn chính xác, đa số người Nga là như vậy, xã hội đã tạo ra con người như vậy, sản phẩm của 1 hệ thống giáo dục.Nếu tác giá đi qua các nước tư bản Châu âu, gặp dân Nga nhập cư thì tính cách cũng như vậy
Người Vn có thói quen hùa theo phong trào và tự khen mình( vì không ai khen mình), phải nhìn vấn đề thẳng thắn, mạnh mẽ như tác giả chúng ta mới thấy cái xấu của mình, mới tự tin khi bước ra khỏi lũy tre làng.Đi những sân bay quốc tế, nếu thấy nhóm du khách nào ồn ào, mất trật tự, xả rác thì chấc chăn đó la khách du lịch Vn.Người có tri thức chưa chấc là người có văn hóa! Văn hóa hình thành có khi cần phải trải qua nhiều thế hệ, dân tộc phải trả những giá rất cao thì mới có được.
Tôi thấy những vấn đề GS Tuấn nêu lên là hoàn toàn chính xác và chính tôi đã từng gặp phải khi về VN thăm bà con (chứ chẵng phải du lịch gì cả). Các bạn khác bênh vực rằng VN cũng có cảnh đẹp ...v..v là vì xin nói thẳng: những người đó có lẻ chưa từng đi du lịch khắp thế giới nên mới dám phán như thế, chứ còn đã đi các nước như: Mỷ, Châu Âu, Úc, Thailan, Singapore .... thì
sẽ thấy ngay họ có cảnh đẹp mê hồn và độ sạch sẽ thì khỏi phải chê
"Tác giả dùng chữ phẩm chất hay cho chất lượng (chỉ có một chữ chất lượng ở cuối bài). Chuyền biến trong tư tưởng?"
Phẩm chất (quality) chử thường dùng trước 1975 [cũng là gốc Hán Việt品質-Pǐnzhí. Chất lượng chỉ thấy lúc sau nầy, nhập cảng từ tàu cộng [質量-zhìliàng] cũng có nghĩa là quality, nghe lạ tai.
Chử (để ý là tôi dùng chử "chử" chứ không là "từ", another import word) lượng có hàm ý là quantiy trong đó. Tôi nghĩ, chất lượng là gồm cả phẩm chất lẫn số lượng trong đó.
Cũng như hộ chiếu [護照-hùzhào] thay vì thông hành hay passport, hải quan thay vì quan thuế [custom] đều là nhập cảng từ tàu cộng hết.
Không có gì quan trọng, tùy theo người đọc quen với cánh dùng chử cũ hay sau nầy.
Trở lại bài viết, Tác giả có nhận xét rất chính xác về du lịch VN. Chính tôi là người Việt, quê vợ ở Nha Trang, người Nga đã phá chết thành phố biển đẹp, dễ thương nầy. những người "Tây" khác đa số là ba lô xâm mình bậm trợn. Bên xứ họ thì lất pha lất phất, thất nghiệp, thấy VN sống được sang đó sống cho rẽ, cập bồ nhí dễ, và được dân VN vọng ngoại coi trọng. đó là những đa số thành phần "Tây" đi du lịch VN, và một số định cư ở lại, lấy vợ Việt v.v. Dân đàng hoàng có hạng, như tựa bài viết đã rõ, "một đi không trở lại"!!!
tác giả chê ngành du lịch viet Nam nhưng tôi thấy tạp chí du lịch nước ngoài vẫn xếp VN là một trong nhung địa điểm đáng du lịch trên thế giới. Năm nay ngành du lịch trong nước được xếp thứ 1 đó
"...Năm nay ngành du lịch trong nước được xếp thứ 1 đó .." Bạn My My có nguồn thông tin chứng minh việc xếp hạng này ko ?? Xin cung cấp cho tôi được học hỏi ...
Bài viết của anh Tuấn chắc chắn 20 năm nữa vẫn là bài viết nóng hổi của chuyện du lịch Việt nam, bạn link xem trên báo tuổi trẻ viết về hướng dẫn viên du lịch Vn :
http://dulich.tuoitre.vn/tin/20151106/ep-du-khach-tra-tien-chuoc-may-anh/997915.html
Bạn viết hay có thể tham khảo các kinh nghiệm du lịch đà nẵng của mình theo nhiều năm đi lại ở miền Trung
Bạn viết hay có thể tham khảo các kinh nghiệm du lịch đà nẵng của mình theo nhiều năm đi lại ở miền Trung
Anh Tuấn viết bài là rất đúng.Tôi đồng quan điểm với anh
Post a Comment